Ngộ độc thuốc trừ sâu và cách phòng chống

Đăng lúc: 15:58:18 11/07/2024 (GMT+7)

BÀI TUYÊN TRUYỀN
Ngộ độc thuốc trừ sâu và cách phòng chống

           Hiện nay, có rất nhiều loại thuốc trừ sâu, nhưng ở Việt Nam thường dùng nhất là nhóm kháng men Cholinesterase, trong đó thuốc trừ sâu phosphor hữu cơ (PPHC) là một trong hai loại thuốc trừ sâu được sử dụng rộng rãi nhất trong nông nghiệp. Các hóa chất trừ sâu nhóm clo hữu cơ độc hơn như DDT đã bị cấm hoặc hạn chế sử dụng. Do bị thủy phân nhanh thành các hợp chất vô hại và không tích tụ chất độc lâu dài trong môi trường nên PPHC ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp (thuốc trừ sâu) cũng như trong nhà (trừ gián, muỗi)…. Cũng vì sử dụng rộng rãi như vậy nên ngộ độc cấp phosphor hữu cơ (NĐC PPHC) là một bệnh cảnh cấp cứu thường gặp, chiếm khoảng 80% trường hợp ngộ độc thuốc trừ sâu phải vào viện.
1.jpg
Phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại lúa
           Các hợp chất hữu cơ được hấp thụ rất tốt qua đường da và niêm mạc, đường tiêu hóa  và đường hô hấp. Nguyên nhân nhiễm độc có thể là sử dụng không đúng trong nông nghiệp, tai nạn, tự tử, và hiếm khi bị đầu độc. Tự tử thường dẫn đến những nhiễm độc nặng nhất, sau đó là tai nạn trong nông nghiệp và công nghiệp, rồi đến trẻ em nhiễm độc tại nhà. Có thể gặp ngộ độc hàng loạt do thực phẩm nhiễm độc. Các dấu hiệu và triệu chứng nhiễm độc rất thay đổi tùy theo đường nhiễm và mức độ nhiễm độc, tuy nhiên khoảng thời gian từ lúc bị nhiễm đến lúc xảy ra triệu chứng thường dưới 12 giờ.
         Các triệu chứng của ngộ độc phosphor hữu cơ từ nhẹ đến nặng bao gồm mất ngủ và rối loạn định hướng, đau đầu, chóng mặt nhìn mờ, yếu cơ, mất đồng vận, máy cơ, run cơ, liệt cơ, ỉa chảy, đau bụng, chẹn thở, thở rít và ho có đờm. Co giật, rối loạn ý thức, ỉa đái không tự chủ, hôn mê sâu và trụy mạch là biểu hiện của tình trạng nhiễm độc nặng. Biểu hiện cụ thể:
            Do tác động của acetylcholine kích thích hậu hạch phó giao cảm, tác dụng chủ yếu lên cơ trơn gây tăng co thắt và tuyến ngoại tiết gây tăng tiết. Bệnh nhân tức ngực, cảm giác chẹn ngực, khó thở, đau bụng, buồn nôn,nôn, ỉa chảy, đái ỉa không tự chủ. Suy hô hấp, lồng ngực kém di động, rì rào phế nang giảm, ran ẩm, đôi khi có ran rít. Trên tim mạch có thể thấy nhịp chậm xoang, giảm dẫn truyền nhĩ thất, rối loạn nhịp thất.
Trường hợp xuất hiện hội chứng Nicotin: do sự tích tụ của acetylcholine ở các bản vận động dẫn đến rối loạn sự khử cực của các cơ vân và kích thích hệ thần kinh giao cảm. Biểu hiện: Giật cơ, máy cơ, co cứng cơ, liệt cơ bao gồm cả cơ hô hấp. Kích thích hệ thần kinh giao cảm gây da lạnh, xanh tái (do co mạch), mạch nhanh, huyết áp tăng, vã mồ hôi, dãn đồng tử.
           Người bị ngộ độc thấy lo lắng, bồn chồn, rối loạn ý thức, nói khó, thất điều, nhược cơ toàn thân, hôn mê mất các phản xạ. Ngộ độc nặng sẽ ức chế trung tâm hô hấp và tuần hoàn dẫn đến suy hô hấp, trụy mạch, co giật, hôn mê sâu. Biểu hiện sớm nhất ở người bị ngộ độc thuốc trừ sâu chính là co thắt và tăng tiết phế quản.
          Một số biện pháp sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc bệnh nhân bị ngộ độ thuốc trừ sâu như sau:
          Trường hợp ngộ độc nặng có thể bị ngừng thở, vì vậy phải khẩn trương tiến hành phương pháp hô hấp nhân tạo. Nếu nạn nhân không uống thuốc trừ sâu mà bị nhiễm độc qua đường khác thì có thể hô hấp nhân tạo bằng thổi miệng: đặt nạn nhân nằm ngửa với tư thế ngửa cổ và một tay giữ sau gáy. Một tay khác đặt lên trán và dùng ngón tay cái, ngón tay trỏ giữ mũi không cho không khí thoát ra. Đặt miệng áp sát và thổi mạnh vào miệng của nạn nhân. Phải thổi hơi đủ mạnh vào miệng nạn nhân để làm phồng được phổi, khi thổi hơi phải nhìn vào ngực nạn nhân để xem phổi có phồng lên hay không. Nếu phục hồi được hô hấp thì thấy ngực thở phồng lên, khi đó không cần thổi nữa mà để nạn nhân tự thở ra. Thổi hơi mạnh tiếp tục thêm một lần nữa, cứ như vậy thực hiện từ 10 - 12 lần trong một phút, mỗi lần thổi trong vòng 5 giây. Việc hô hấp nhân tạo cần phải thực hiện kiên trì cho đến khi cứu sống được nạn nhân. Nếu phát hiện nạn nhân có uống thuốc trừ sâu thì phương pháp hô hấp nhân tạo bằng thổi hơi qua miệng không được sử dụng vì sẽ gây nguy hiểm cho người sơ cấp cứu, trường hợp này phải hô hấp nhân tạo bằng máy thở hỗ trợ.
2.jpg
Hình 1: Rửa mắt khi dính thuốc trừ sâu
          Nếu gặp trường hợp hóa chất thuốc trừ sâu bám dính vào vào da và mắt, cần phải rửa ngay mắt bằng một lượng nước sạch nhiều trong thời gian 5 phút.
          Cởi ngay quần áo thấm ướt hóa chất đang mặc trên người và chuyển ngay nạn nhân ra khỏi nơi bị nhiễm độc. Cần tắm cho nạn nhân bằng cách dội nước sạch và xà phòng trong vòng 10 phút. Nếu không có sẵn nguồn nước tại chỗ, cần lau da bằng quần áo và giấy lau để làm sạch hóa chất thuốc trừ sâu bám dính.
3.jpg
Hình 2: Cởi bỏ quần áo nhiễm độc
             Không nên kích thích làm cho nạn nhân nôn mửa trừ khi biết đích xác nạn nhân có uống loại hóa chất thuốc trừ sâu dạng độc tính cao và chưa cho uống thuốc chống độc vội khi chưa chẩn đoán xác định được. Không nên cho nạn nhân nôn mửa khi uống phải dạng hóa chất dầu phụ hoặc các sản phẩm pha như dầu diezel, dầu hỏa vì có thể gây ra hiện tượng xông hơi của hóa chất qua chất nôn mửa và điều này có thể làm tăng độ nguy hiểm nhiễm độc nhiều hơn nhiễm độc chỉ đơn thuần qua đường tiêu hóa. Cần xem kỹ nhãn, mác của sản phẩm để đánh giá hóa chất có độ độc tính cao. Chú ý chỉ nên kích thích cho nôn mửa nếu nạn nhân còn tỉnh táo. Cần để nạn nhân ở tư thế đứng hay ngồi và móc họng cho nạn nhân nôn mửa. Sau đó, bất kỳ nạn nhân có nôn mửa hay không nôn mửa đều cho uống than hoạt với nửa cốc nước sạch và lặp lại cho đến khi có thể cho uống thuốc chống độc được.
4.jpg
Hình 3: Tắm rửa loại bỏ chất độc
            Nạn nhân sau khi được sơ cấp cứu cần chuyển ngay đến bệnh viện nơi gần nhất. Khi chuyển đến bệnh viện hay cơ sở y tế, cần giữ cho nạn nhân ở tư thế nằm nghỉ vì mỗi khi bị nhiễm độc hóa chất thuốc trừ sâu loại phosphore hữu cơ thì thường xảy ra tình trạng xấu khi di chuyển. Do vậy, nên đặt nạn nhân nằm với tư thế đầu dốc. Nếu nạn nhân hôn mê thì đẩy mặt ngửa ra với động tác đẩy cằm ra, kéo trán vào nhằm tạo nên sự thoáng khí ở đường thở. Cần đắp chăn ấm nếu nạn nhân cảm thấy lạnh và làm mát bằng cách chườm nước lạnh nếu mồ hôi ra nhiều.  Chú ý khi nạn nhân nôn mửa nên thận trọng vì họ có thể hít chất nôn mửa vào đường hô hấp. Khi nạn nhân có hiện tượng co giật nên dùng vật cản đệm vào răng để phòng chấn thương miệng, lưỡi. Không cho phép nạn nhân hút thuốc và uống rượu trong thời gian điều trị. Không cho nạn nhân uống sữa để tránh tăng hấp phụ phosphor hữu cơ tan trong mỡ, chỉ cho uống nước sạch, nước đun sôi để nguội.
             Để tránh được ngộ độc thuốc trừ sâu cần để phòng ngừa nhiễm độc thuốc trừ sâu trong quá trình lao động, công tác có tiếp xúc với hóa chất độc hại thì người đi phun hoặc tẩm hóa chất phải đội mũ, mang khẩu trang, đi ủng, mang găng tay và mặc quần áo bảo hộ lao động. Thời gian lao động được rút ngắn từ 1 - 2 giờ để tắm, giặt quần áo và rửa, bảo quản dụng cụ. Không ăn uống, hút thuốc lá khi đang làm việc có tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Khi phun hay tẩm hóa chất, gia đình phải dọn dẹp, che chắn các dụng cụ nấu nướng, đựng thức ăn. Khi phun hóa chất ở trong nhà, tất cả mọi người phải ra ngoài, sau từ 10 - 15 phút mới được vào nhà. Cần lưu ý, một số loại hóa chất thuốc trừ sâu hiện nay sử dụng để phun vào tường vách nếu sau khi phun người để lưng trần dựa vào thì sẽ bị nóng rát nên cẩn thận không được tiếp xúc với về mặt phun. Khi bị bám dính hóa chất vào tay, chân. mặt... cẩn rửa ngay bằng xà phòng và nước sạch./. 
Nguồn sưu tầm: Internet
Kết quả giải quyết TTHC
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
338253