4 giải pháp để nâng cao “tính Đảng” của đảng viên trong sinh hoạt đảng

Đăng lúc: 10:10:19 16/07/2021 (GMT+7)

“Tính Đảng” của cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt đảng là tất cả những hành động của đảng viên trong sinh hoạt đảng; thể hiện nhận thức, trách nhiệm, ý thức chính trị, đạo đức cách mạng… của người cán bộ, đảng viên. Mỗi kỳ sinh hoạt đảng cũng là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện “tính Đảng” của mình một cách rõ nét, trung thực nhất.

 “Tính Đảng” của cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt đảng là tất cả những hành động của đảng viên trong sinh hoạt đảng; thể hiện nhận thức, trách nhiệm, ý thức chính trị, đạo đức cách mạng… của người cán bộ, đảng viên. Mỗi kỳ sinh hoạt đảng cũng là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện “tính Đảng” của mình một cách rõ nét, trung thực nhất.

 

Từ thực trạng...

“Tính Đảng” của đảng viên là sự thừa nhận một cách tự nguyện và tuyệt đối trung thành với nền tảng tư tưởng, lý tưởng cách mạng mà Đảng lựa chọn. Đó là sự tuân thủ tính tổ chức và tính kỷ luật; là những chuẩn mực trong mọi hành vi, lời nói trong các hoạt động xã hội. 

“Tính Đảng” của cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt đảng là tất cả những hành động của đảng viên trong sinh hoạt đảng; thể hiện nhận thức, trách nhiệm, ý thức chính trị, đạo đức cách mạng… của người cán bộ, đảng viên. Hành vi đúng, chuẩn mực, có tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung sẽ giúp củng cố, phát triển, xây dựng tổ chức trong sạch, vững mạnh; ngược lại, hành vi thiếu chuẩn mực, với động cơ, lợi ích cá nhân không trong sáng hoặc “nhóm lợi ích”, đi ngược lại lợi ích chung của đơn vị, tập thể sẽ làm cho tổ chức suy yếu, phá vỡ sự đoàn kết, thống nhất, làm giảm sút năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và mỗi đảng viên. Mỗi kỳ sinh hoạt đảng là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện “tính Đảng” của mình, tự phê bình và phê bình, biểu dương những tấm gương, đảng viên tiêu biểu; nhắc nhở, phê bình đảng viên chưa hoàn thành nhiệm vụ, không thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoặc có khuyết điểm trong thực hiện chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và cấp ủy cấp trên…     

Hiện nay, ở một số tổ chức đảng, sinh hoạt đảng diễn ra một cách hình thức, chiếu lệ, nội dung sinh hoạt nhàm chán, cách thức tổ chức, điều hành thiếu khoa học… Trong các kỳ sinh hoạt đảng, gần như chỉ là ý kiến một chiều, không có sự trao đổi, tranh luận, ý kiến đóng góp xây dựng tổ chức; có tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; có trường hợp lợi dụng nguyên tắc tự phê bình và phê bình để vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ không trong sáng. Có cán bộ, đảng viên lợi dụng sinh hoạt đảng để đề xuất những ý tưởng, quan điểm phục vụ lợi ích cá nhân, không tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, nói và làm trái với quan điểm, đường lối và quy định về những điều đảng viên không được làm… Có cán bộ, đảng viên “mượn” kỳ sinh hoạt đảng như một diễn đàn để nịnh nọt, lấy lòng nhau vì mục đích cá nhân. Có cán bộ, đảng viên do sợ bị trù dập, mất lòng cấp trên và đồng nghiệp, sợ liên lụy đến bản thân, nên thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, không có quan điểm, chính kiến, chỉ im lặng…  
Thái độ, hành vi của đảng viên trong sinh hoạt đảng thể hiện nhận thức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, tinh thần tự phê bình và phê bình, trình độ văn hóa… của đảng viên trong quan hệ với tổ chức mà mình là thành viên. Nếu đảng viên có thái độ, hành vi đúng đắn, chuẩn mực, có tinh thần xây dựng, vì lợi ích chung sẽ góp phần xây dựng tổ chức, cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên có thái độ thiếu đúng đắn, chưa chuẩn mực, không vì lợi ích chung sẽ phá vỡ khối đoàn kết, thống nhất, làm cho tổ chức, cơ quan suy yếu…

...Đến giải pháp

Từ thực trạng trên, để xây dựng “tính Đảng” cho cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt đảng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về thái độ, tinh thần trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt đảng nói chung, trong công việc và trong đời sống cá nhân nói riêng, giúp họ hiểu được trách nhiệm, bổn phận của người đảng viên, từ đó nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, có những hành vi phù hợp, đúng đắn. Hành vi đúng đắn, chuẩn mực chỉ có được khi bản thân mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần nguyên tắc, quy định, điều lệ và trách nhiệm của bản thân trong tổ chức mà mình là thành viên. Ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên không nhận thức đúng vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng người đảng viên sẽ có những hành vi không đúng đắn, thiếu chuẩn mực.

Hai là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về trách nhiệm, nghĩa vụ, nguyên tắc, chế độ, lề lối làm việc của đảng viên trong sinh hoạt đảng. Các quy định, chế độ này cần nêu rõ yêu cầu, đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ, tinh thần, thái độ của người đảng viên trong sinh hoạt đảng. Mỗi ý kiến, lời nói, hành vi của đảng viên phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định, điều lệ Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm; khuyến khích hành vi xây dựng tổ chức, vì lợi ích chung; đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi, lời nói, việc làm trái với các quy định, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong và ngoài các kỳ sinh hoạt đảng.

Ba là, nâng cao chất lượng người đứng đầu cấp ủy, nêu cao vai trò tiên phong, nêu gương của họ. Xây dựng hành vi chuẩn mực, đúng đắn cho cán bộ, đảng viên là cả một quá trình, ở đó bên cạnh vai trò quyết định của mỗi cá nhân thì vai trò của người đứng đầu cấp ủy rất quan trọng. Người đứng đầu là đại diện, hình ảnh của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Nếu là người đứng đầu có phẩm chất đạo đức trong sáng, có uy tín, hết lòng, hết sức, tận tậm với công việc, có năng lực chuyên môn, công tâm… sẽ được mọi người yêu mến, kính trọng, có sức cuốn hút và truyền cảm hứng đến tất cả mọi người. Trong sinh hoạt đảng, lời nói, hành vi, những chỉ dẫn… của người đứng đầu cấp ủy có sức lan tỏa, giúp nâng cao nhận thức, từ đó chuyển biến thành hành động cụ thể trong mỗi cán bộ, đảng viên. Đạo đức, nhân cách của người đứng đầu cấp ủy tác động lớn đến hành vi của người cán bộ, đảng viên, giúp họ tự ý thức, cố gắng phấn đấu, rèn luyện học tập và làm theo. Ngược lại, nếu người đứng đầu cấp ủy không tiêu biểu cho phẩm chất đạo đức, lối sống, cá nhân chủ nghĩa, thiếu công tâm… thì rất khó thay đổi, chuyển biến thái độ và hành vi của cán bộ, đảng viên, thậm chí có tác dụng ngược lại.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Tổ chức đảng và đảng viên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng. Kiểm tra, giám sát là nội dung rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng, trước hết là nhiệm vụ của cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy, do cấp ủy trực tiếp tiến hành. Kiểm tra, giám sát là các tổ chức đảng xem xét, đánh giá, kết luận về ưu điểm, khuyết điểm; là việc quan sát, theo dõi hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trong việc chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng, chặt chẽ theo đúng nguyên tắc, phương pháp công tác đảng.  

Kiểm tra, giám sát sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong tổ chức, có ý thức rõ, đầy đủ hơn về hành vi, những việc được và không được làm. Kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, đột xuất và định kỳ, nghiêm túc, khách quan, công bằng thì mới phát huy tác dụng kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, sửa chữa, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt đảng, đồng thời cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên khi còn manh nha.
TS. Hồ Liên HươngTrường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội
(Nguồn xaydungdang.org.vn)
Các tin khác